image banner
Gói bánh chưng ngày Tết – nét đẹp gợi nhớ truyền thống
Lượt xem: 581

Sắc xuân đang lan tỏa khắp không gian rộng lớn, người người rộn ràng đi mua sắm Tết, khung cảnh ngày Tết nhộn nhịp đa sắc màu tươi mới tạo cảm hứng cho con người thêm yêu cuộc sống, trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương khi đất trời vào xuân. Trên đất nước Việt Nam hiện đang tồn tại nhiều phong tục chung và mỗi miền quê đều có những tập quán riêng mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của con người trong quá trình sống, lao động và sinh hoạt, trong đó có những phong tục từ xa xưa được người dân lưu truyền lại, có những sự tích dân gian trải qua năm tháng vẫn còn sống mãi với thời gian như sự tích bánh chưng bánh Dày – một nét đẹp gợi nhớ truyền thống.

anh tin bai

Nói đến ngày Tết cổ truyền của dân tộc, không thể không nhắc đến bánh chưng xanh, một sản vật thể hiện cho sự no đủ, cho mối quan hệ giao hòa giữa con người với đất trời. Hiểu rõ được giá trị nhân văn sâu sắc ấy, cho đến nay ở khắp các làng quê Việt, người dân một nắng hai sương gắn bó với ruộng nương tự tay canh tác, sản xuất ra những nguyên liệu tinh túy, đậm đà để rồi chính bàn tay họ khéo léo kết hợp hài hòa chúng với nhau tạo ra một món ăn, một sản vật trưng bày không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Trong thời đại công nghiệp hiện nay, do áp lực công việc, do những bộn bề lo toan của cuộc sống thường ngày, ở các nơi thành thị cũng như ở thôn quê dịch vụ cung cấp hàng hóa theo nhu cầu khách hàng ngày càng nhiều, nên nhiều người không còn thiết tha với công việc khá tỉ mỉ này mà lựa chọn cách đặt mua bánh chưng đã được gói sẵn ở các cơ sở sản xuất, bán ở nhà hàng, siêu thị, làm cho những người trong gia đình, trong các khu dân cư, làng xóm, xa dần hình ảnh quây quần gói bánh, nấu bánh để đón năm mới, đã làm giảm đi phần nào phong vị ngày tết đầm ấm đầy ý nghĩa.

anh tin bai

Ở Nghĩa Hưng, hầu như ở các vùng thôn quê tục gói bánh chưng ngày Tết còn khá phổ biến. Những ngày giáp tết, mỗi người gặp nhau sau lời chào là câu hỏi “năm nay có gói bánh chưng không ?” Con cháu xa quê điện về thăm bố mẹ không quên hỏi “nhà mình đã chuẩn bị gói bánh chưng chưa?”. Ở hầu khắp các chợ, đâu đâu cũng còn cảnh tấp nập người mua kẻ bán các nguyên liệu để làm ra chiếc bánh chưng. Có những gia đình chủ động được nguyên liệu, tự tay gói bánh, có những gia đình không chủ động được thì nhờ bà con, bạn bè giúp đỡ để tết đến có tấm bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên thể hiện lòng thành kính thờ phụng tổ tiên.

Nếu như chỉ gói bánh để gia đình sử dụng thì người dân trên địa bàn huyện thường sẽ gói từ 10 đến 20 tấm bánh chưng dùng để thờ cúng, dùng để ăn trong các bữa ăn ngày tết. Do đó, công việc gói bánh chưng trong gia đình ngày tết, thường  do một người đảm nhiệm, những thành viên khác thì chung tay mỗi người mỗi công đoạn, người rửa lá, sắp lá, chẻ lạt, bóc hành, nấu đỗ, thái thịt làm nhân bánh. Song vẫn có những gia đình ngoài gói bánh để gia đình sử dụng, họ còn mang đi biếu hoặc cho anh em, con cháu trong gia đình nên phải có 2 người gói bánh nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng của các nguyên liệu khi vào bánh. Chiếc bánh chưng có hình vuông đẹp mắt, gói bên ngoài bằng những chiếc lá dong xanh mướt. Người ta dùng những chiếc lạt để buộc bánh chưng lại cho chặt. Những nguyên liệu để làm bánh chưng là những nguyên liệu vô cùng quen thuộc với người Việt Nam. Theo đó, nhân bánh được làm từ gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn. Ngoài ra còn có thêm một vài loại gia vị nữa như muối, hạt tiêu, hành,… Lá dong dùng để gói bánh thường là lá dong bánh tẻ. Có như vậy thì bánh mới ngon, bánh luộc lên lá vẫn xanh và khi bóc không bị dính. Lạt được chẻ và tước mỏng ra từ những cây giang. Lạt giang chẻ phải thật mỏng, đủ mềm để buộc bánh dễ dàng. Gạo dùng để nấu bánh chưng là gạo nếp truyền thống bởi đây là loại gạo ngon, thơm. Muốn nấu bánh được dẻo, gạo phải ngâm trước từ đêm với nước nóng khoảng 8 tiếng sau đó đem vo lại rồi xóc cho ráo nước. Đậu xanh dùng loại đã đãi vỏ hoặc mua loại có vỏ về ngâm với nước nóng rồi tự đãi vỏ. Thịt lợn thường dùng loại thịt ba chỉ có cả nạc cả mỡ. Thịt xắt miếng to cỡ một phần ba bàn tay sau đó ướp với gia vị cho ngấm. Chọn lá dong to đẹp rồi đem rửa sạch và lau khô trước khi gói. Bánh chưng thường được luộc trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 tiếng, sau đó vớt ra và ép chặt cho khô nước. Như vậy, bánh sẽ để được lâu hơn.

anh tin bai

Một ngày giáp tết Giáp Thìn, chúng tôi đến thăm quê hương Nghĩa Bình, nơi trồng được giống lúa nếp Bắc đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao, nếp Bắc là loại thóc khi xát thành gạo, hạt gạo tròn, bóng, đẹp, khi gói thành bánh chưng, tấm bánh mịn, dẻo và ăn rất thơm ngon. Vì vậy, gạo nếp Bắc được tất cả người dân nơi đây lựa chọn sử dụng để gói bánh chưng ngày Tết. Anh Nguyễn Văn Hồng ở xóm Quần Phương 1 xã Nghĩa Bình chia sẻ: “Chúng tôi tự hào ở xã Nghĩa Bình có giống lúa nếp Bắc dài cây, là giống lúa cho hạt gạo dộng, dẻo, thơm và năm nào đến Tết gia đình tôi cũng sử dụng loại nếp này để gói bánh chưng. Mỗi dịp tết đến vào ngày 27 tết gia đình tôi cũng gói 30 tấm bánh chưng, vừa là để gia đình sử dụng, vừa làm quà biếu và cho con cái”

Người lớn gói bánh chưng, các em nhỏ của nhiều gia đình sau khi được nghỉ tết cũng háo hức phụ giúp ông bà, cha mẹ quét dọn, trang hoàng nhà cửa, thích thú với việc ngồi xem gói bánh và tự giác nhận ngồi canh nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng ấm áp.

anh tin bai

Gói bánh chưng – một công việc khá bận rộn, nhiều công đoạn là vậy, song ý nghĩa của việc làm mang đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc Việt, đã và đang được bao nhiêu gia đình ở miền quê Nghĩa Hưng trân trọng nâng niu, gìn giữ, kế thừa và phát triển. Thành phẩm bánh chưng tượng trưng cho sự trọn vẹn của trời đất, cho những gì phúc hậu và ấm áp nhất của lòng người. Mùi thơm của bánh chưng báo hiệu cho sự ấm áp của gia đình, là biểu tượng ngày Tết mà không có bất cứ loại bánh nào có thể thay thế được. Vì đây là truyền thống, là nét đẹp và là niềm tự hào chung của người dân Việt Nam mỗi khi Tết đến Xuân về.

Năm mới Giáp Thìn đang đến gần, trăm hoa đua nở, lòng người hòa cùng với đất trời, những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương luôn được các thế hệ con cháu ngày nay và mai sau giữ gìn, phát huy để trong Tết nay vẫn thấy được những nét đẹp của Tết xưa./. 

 

Bài và ảnh: Thanh Tâm

Trung tâm VH - TT& TT huyện.


image advertisement
anh tin bai

image advertisement

image advertisement
image advertisement




image advertisement

image advertisement
anh tin bai

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai



Thông báo - Giấy mời
1
1
2
2
3
3
4
4
5
5
6
6

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGHĨA HƯNG TỈNH NAM ĐỊNH
Bản quyền thuộc Huyện Nghĩa Hưng
Địa chỉ: Thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định 
Điện thoại: 0228.3871.090     Fax: 0228 3871.090
Email:vpubnghiahung.nhg@namdinh.gov.vn

Designed by VNPT Nam Định


Chung nhan Tin Nhiem Mang