Đoàn đại biểu Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Nghĩa Hưng dâng hương viếng Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ một số tỉnh miền Trung
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày
Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), từ ngày 16 đến 19/7, Đoàn đại
biểu Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và một số ban, ngành huyện Nghĩa Hưng đi
đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại một số tỉnh miền
Trung: Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Ngã ba Đồng
Lộc…
Tham gia Đoàn có các đồng
chí: Sái Hồng Thanh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Phạm
Tiến Trường – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy; Trần Văn Dương – Phó Bí thư
Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí đại diện Thường trực HĐND, Lãnh đạo
UBND huyện, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy; lãnh đạo một số ban, ngành, đoàn
thể huyện và đại diện thân nhân các gia đình Liệt sĩ trong huyện.
(Ảnh:
Các đồng chí lãnh đạo huyện đặt vòng hoa, dâng hương viếng các Anh hùng Liệt sĩ
tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn)
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn
thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh là nơi yên nghỉ của các Anh hùng
Liệt sĩ – những biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh
thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Tôn
vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu hy sinh xương
máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng,
Nhà nước đã xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn với tổng diện tích
140 nghìn m2, có 10.333 Liệt sĩ an nghỉ đời đời tại nghĩa trang.
(Ảnh:
Các đồng chí lãnh đạo huyện đặt vòng hoa, dâng hương viếng các Anh hùng Liệt sĩ
tại Khu di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị)
Thành cổ Quảng Trị là một Di tích quốc
gia đặc biệt, ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây đã ghi lại
dấu ấn của một cuộc chiến khốc liệt nhuộm màu bi thương giữa quân ta với Mỹ –
Ngụy vào năm 1972 suốt 81 ngày đêm. Nguyên nhân diễn ra trận chiến này là sau
khi quân giải phóng của ta đã chiếm được thành cổ Quảng Trị, Mỹ không chấp nhận
được việc mất thành nên chúng muốn phát động cuộc chiến vừa để giành lại thành
vừa để gây sức ép với nước ta trên Hội nghị Paris. Trong suốt 81 ngày đêm ấy,
chúng đã xả xuống hơn 300.000 tấn bom đạn cùng với lực lượng quân đội tiến đánh
với số lượng khổng lồ, thế nhưng điều đó không làm nhụt chí những người lính giải
phóng quân ấy, họ mặc mưa bom bão đạn, tiến về phía trước với một niềm tin chiến
thắng mãnh liệt với lý tưởng cao đẹp bảo vệ Tổ quốc. Kết thúc cuộc chiến, chiến
thắng nghiêng về quân ta nhưng nhiều cán bộ, chiến sỹ đã gieo mình xuống đất,
vì thế mà Thành cổ trở thành vùng đất thiêng, “cối xay thịt người” gợi nhắc người
dân Việt Nam về sự kiện đẫm máu ấy, về nền hòa bình được tạo dựng ngày hôm nay
được đánh đổi bằng biết bao xương máu của ông cha ta.

(Ảnh:
Các đồng chí lãnh đạo huyện đặt hoa, dâng hương viếng các Anh hùng Liệt sĩ tại
Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc)
Ngã ba Đồng Lộc thuộc huyện
Can Lộc (Hà Tĩnh) là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với
tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ năm 1964 đến năm
1972, Ngã ba Đồng Lộc bị địch đánh phá liên tục; nhất là từ tháng 4 đến tháng
10-1968 nơi đây gánh chịu gần 50 nghìn quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông
đất nơi đây phải gánh chịu trên 3 quả bom. Để giữ vững mạch máu giao thông từ
Bắc vào Nam được thông suốt, hàng nghìn chiến sĩ và người dân đã ngã xuống.
Tiêu biểu là sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái Thanh niên xung phong thuộc Tiểu
đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Ngày 9/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc
được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Khu di tích lịch sử cấp Quốc
gia Đặc biệt.
Tại các Nghĩa trang Liệt sĩ và Khu di tích,
Đoàn đại biểu của huyện đã đặt vòng hoa, dâng hương viếng các Anh hùng Liệt sĩ.
Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ “Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Nghĩa
Hưng, tỉnh Nam Định kính viếng”. Trong không khí trang nghiêm, thành kính trước anh linh các
Anh hùng Liệt sĩ, các đại biểu đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh
to lớn của các Anh hùng Liệt sĩ vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự nghiệp
giải phóng dân tộc. Đảng bộ, quân và nhân dân huyện Nghĩa Hưng nguyện phát huy
truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, tích cực
chăm lo mọi mặt cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách ngày càng
tốt hơn; xây dựng quê hương Nghĩa Hưng ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng
với sự hy sinh to lớn của các Anh hùng Liệt sĩ./.
(Lê Diệu Phấn – Chánh Văn phòng Huyện ủy Nghĩa
Hưng)