Nghĩa
Hưng là huyện ven biển ở về phía Tây Nam của tỉnh Nam Định. Lịch sử hình thành và phát
triển của huyện Nghĩa Hưng luôn gắn liền với vai trò chỉ đạo của các cấp chính
quyền trong quá trình quai đê lấn biển, tạo lập xóm làng.
Khởi đầu là
công cuộc khẩn hoang do Nguyễn Công Khanh- Thống đốc Tiền vệ chỉ huy đồn biển
phía nam phủ Nghĩa Hưng tổ chức vào năm 1850 và đặc biệt công cuộc khai hoang
lấn biển do Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị tổ chức vào năm 1852 đã khai phá được một
diện tích lớn đất sa bồi, thành lập nên 11 đơn vị xã, thôn, trại mới.
Năm 1930, Nhà nước phong kiến và chính quyền
bảo hộ Pháp đã tổ chức đắp đê Mễ Lâm (còn gọi là đê Cồn Vành)
dài 17 km từ thôn Thiên Bình (xã Nghĩa Bình) đến thôn Ngọc Lâm (xã Nghĩa Hải)
nhằm biến cả một vùng đất bãi bồi ven biển của phủ Nghĩa Hưng thành những làng
xã mới. Công trình được hoàn thành trong 2 năm (từ năm 1930-1931) đã đem lại
cho huyện Nghĩa Hưng 8.000 mẫu Bắc bộ (gần 3.000 ha) và thành lập thêm 7 xã với
32 thôn xóm.
( Đ/c Phạm Tiến Trường - Phó BTTT HU gặp gỡ trao đổi với người dân vùng Cồn Xanh)
Từ năm 1954 đến nay, công cuộc quai đê lấn biển ở Nghĩa Hưng được các
cấp chính quyền lãnh đạo tổ chức thực hiện thường xuyên theo quy mô diện tích
và tốc độ bồi tụ của phù sa. Trong khoảng 2 năm, từ năm 1958- 1959, Trung đoàn
bộ đội 269 cùng với quân và dân trong tỉnh, trong huyện đã hoàn thành nhiệm vụ
đào đắp con đê dài 11,6km, nối từ Quần Vinh tới Ngọc Lâm, bao quanh một vùng đất rộng
hơn 1.330ha, trong đó có Nông trường quốc doanh Rạng Đông. Năm 1965, thị trấn
Nông trường Rạng Đông được thành lập, hoạt động theo mô hình đặc thù thị trấn-
nông trường. Đến năm 1987, thị trấn Nông trường Rạng Đông được đổi tên thành
thị trấn Rạng Đông và Nông trường quốc doanh Rạng Đông vẫn là một doanh nghiệp
Nhà nước trực thuộc tỉnh (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Nông nghiệp Rạng Đông).

Năm 1963, được
sự chấp thuận của tỉnh, huyện Nghĩa Hưng đã tổ chức quai đê lấn biển khu vực
phía đông Nông trường Rạng Đông và phía nam Cồn Vinh giáp cửa sông Ninh Cơ. Đến
đầu năm 1965, con đê chắn sóng dài 3,8km, bao quanh vùng đất rộng trên 300ha đã
được hoàn thành. Năm 1965, đơn vị hành chính xã Nghĩa Phúc đã được thành lập
(năm 2020 xã Nghĩa Phúc và xã Nghĩa Thắng được sáp nhập thành xã Phúc Thắng).
Căn cứ vào
điều kiện thực tế vùng bãi bồi của huyện Nghĩa Hưng, năm 1975, tỉnh đã ban hành
quyết định khởi công công trình đắp đê lấn biển khai thác khu vực bãi bồi Nghĩa
Điền, huyện Nghĩa Hưng. Huyện Nghĩa Hưng đã tổ chức lực lượng thực hiện nhiệm
vụ quai đê lấn biển, bao quanh diện tích bãi bồi 650 ha. Đến năm 1977, con đê
dài 6,57km được hoàn thành. Trên cơ sở đó, năm 1978, đơn vị hành chính xã Nam
Điền đã được thành lập.
Năm 1981, đắp
đê Đông Nam Điền hình thành khu vực nuôi trồng thuỷ hải sản rộng 660 ha.
Năm 2002, Bộ
Quốc phòng giao cho Quân khu III và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định thực hiện
dự án đắp đê lấn biển khu vực Cồn Xanh, hình thành khu kinh tế biển rộng trên
800ha. Đến năm 2008 hoàn thành giao cho Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Hưng quản
lý.
Bằng cách điểm
lại các mốc lịch sử quai đê lấn biển ở Nghĩa Hưng chúng ta đã nhận thấy vai trò
lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của các cấp chính quyền, kể cả dưới thời phong
kiến thuộc Pháp hay thời kỳ đất nước độc lập. Như vậy, chúng ta hoàn toàn khẳng
định được rằng tất cả nguồn gốc đất đai ở huyện Nghĩa Hưng (kể cả các vùng bãi
bồi) đều là đất được các cấp chính quyền lãnh đạo, tổ chức nhân dân thực hiện
theo quy hoạch, kế hoạch, cụ thể, rõ ràng. Nói cách khác, đây chính là đất công
của Nhà nước, không phải là đất “tự khai
hoang” như một số ý kiến trong thời gian gần đây./.
( Ban
Tuyên giáo Huyện ủy)