(Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra suất ăn giữa ca của công nhân
Nhà máy cao su, xà phòng và thuốc lá Hà Nội, ngày 26-1-1961)
KIỂM TRA
Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi.
Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn
phải tổ chức, phải đấu tranh.
Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc
thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ,
và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích.
Mục đích sự tổ chức công tác là: động viên toàn
thể nhân dân hăng hái thi hành chính sách đã định. Mục đích lựa chọn cán bộ là
dùng nhân tài cần phải hợp lý, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và cho họ hiểu
rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Mà muốn biết sự động viên ấy và sự
thực hành ấy đã đến mức nào, thì phải có kiểm tra.
Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực
và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ,
mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời. Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo
khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết
gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại
gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai
lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc
vẫn không chạy.
CÁCH KIỂM TRA
1. Kiểm tra phải có hệ thống nghĩa là khi đã có
nghị quyết, thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ
sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế
mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết
điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn.
2. Kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo
cáo, mà phải đi đến tận nơi.
3. Kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê
bình và phê bình, để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những khuyết
điểm ấy. Như thế, thì cán bộ càng thêm trọng kỷ luật và lòng phụ trách.
NGƯỜI KIỂM TRA
Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người
lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín.
Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ
nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc
gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm.
Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng
như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm,
bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết
điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra.
Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc
của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm.
X.Y.Z
Báo Sự thật, số 103, ngày
30/11/1948.
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB
CTQG 2011, tr.636-638)