image banner
Chuyện ghi ở làng Thành An
Lượt xem: 2889

Hay tin ông Ngô Xuân Trường - Bí thư chi bộ - Trưởng Ban công tác Mặt trận KDC số 5 - Làng Thành An - xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) tới đây vinh dự được về Hà Nội dự Hội nghị "Tuyên dương khu dân cư và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc” do UBTƯMTTQ Việt Nam tổ chức, tôi không bất ngờ, mà thấy  vui cùng ông…

 

Cách đây chưa lâu, theo Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Hồng Hà cùng đoàn công tác của tỉnh về kiểm tra việc thực hiện chủ trương xây dựng NTM ở xã Nghĩa Phong, người viết bài rất ấn tượng vị Trưởng ban công tác Mặt trận khi nghe ông giới thiệu về hương ước làng Thành An cũng như việc chấp hành của người làng. Cụ thể, để xây dựng nếp sống văn hóa, giáo dục con em ý thức bảo vệ môi trường sống, hương ước làng quy định, phần đường gần gia đình nào gia đình đó có trách nhiệm tự quản, tự dọn vệ sinh. Mỗi nhà phải làm một hố tập trung rác thải. Người nào vứt rác ra đường bị phạt 200 ngàn đồng, người nào phát hiện ra người vứt rác được thưởng 200 ngàn đồng, gia đình nào có chuyện đánh cãi, chửi nhau bị phạt 200 ngàn đồng. Riêng những người có hành vi dùng xung điện đánh bắt cá huỷ hoại môi sinh bị phạt 5 triệu đồng…

 

Mang theo ấn tượng ấy, sau đó ít lâu tôi tìm về làng Thành An, nhờ vậy có dịp hiểu hơn về ngôi làng văn hóa nằm ở hạ nguồn và giữa hai con sông Đáy và sông Ninh Cơ này. Được hiểu hơn về công việc cũng như tâm tư, tình cảm của những người làm công tác Mặt trận ở khu dân cư như ông Trường… 

 

Vào làng, đến đâu cũng thấy sự khang trang, sạch đẹp, quy củ. Cổng làng mới được xây dựng, khá to, nằm ngay sát tỉnh lộ 490 nối TP. Ấn tượng nhất là đường làng rất rộng, tới 4-5 m, toàn bộ được trải bê tông láng bóng. Năm con đường ngang, dọc chia làng thành những cụm dân cư vuông vức như bàn cờ. Ai đó thật có lý khi nói muốn biết cán bộ của xóm nào, thôn nào thế nào cứ nhìn quang cảnh, không khí của người dân xóm ấy, thôn ấy sẽ biết. Vậy nên, ngắm nhìn nét khang trang, sạch đẹp, quy củ của làng Thành An tôi thầm nghĩ cán bộ, đảng viên ở đây hẳn phải tâm huyết, trách nhiệm, nhiệt tình với việc làng, việc xóm lắm!

 

Dẫn tôi đi thăm làng, Bí thư chi bộ-Trưởng Ban công tác Mặt trận Ngô Xuân Trường tâm sự: Thành An có được diện mạo bề thế như hôm nay là công sức, tâm huyết của bao thế hệ người làng, cả xa lẫn gần, cả lương và giáo. Trong đó, cán bộ, đảng viên, các chức sắc tôn giáo trong làng có công không nhỏ. 

 

Ông cho hay, từ năm 2010 đến nay, bằng nhiều nguồn lực, làng đã hoàn thành được nhiều công trình, phần việc quan trọng trong lộ trình xây dựng Nông thôn mới. Riêng về cơ sở hạ tầng, làng đã lần lượt làm được nhà văn hóa, làm cổng làng; mở rộng, làm mới tổng cộng 3,7 km đường làng, 2,5 km đường ra đồng, 1,5 km đường giao thông kết hợp thủy lợi nội đồng. Đặc biệt, Thành An đã dồn điền đổi thửa xong 200 mẫu ruộng. Hiện mỗi hộ trong làng chỉ còn một thửa canh tác, chấm dứt kiểu sản xuất nhỏ lẻ…

 

- Các bác là cán bộ, đảng viên, được quán triệt chủ trương, nghị quyết nên dễ thông suốt. Nhưng còn người dân thì sao? Làm thế nào để mọi người cùng hiểu mục đích, thấy rõ quyền lợi để cộng đồng trách nhiệm thực hiện một việc lớn như xây dựng nông thôn mới? Tôi hỏi ông.

 

- Phải phổ biến, tuyên truyền chứ chú! Mà không phải một lần đâu nhé! Việc gì cũng phải tuyên truyền, giải thích đến khi nào mọi người đều thông suốt, nhất trí chúng tôi mới tổ chức thực hiện. Bà con không hiểu,  không ủng hộ, cán bộ, đảng viên chúng tôi có nhiệt tình, tâm huyết đến mấy cũng chịu! 

 

 - Nhưng làm đường, làm nhà văn hoá, làm cổng làng, toàn là những việc "ngốn” tiền cả! Bà con trong làng cũng chưa lấy gì làm dư dả, hỗ trợ của nhà nước cũng chỉ có hạn. Các bác lấy đâu ra tiền để làm?

 

- Nếu chỉ dựa vào đóng góp của dân trong làng, hỗ trợ của nhà nước thì làm sao mà đủ được. Chúng tôi phải dùng đến "của để dành” đấy! Rồi ông cười, giải thích thêm: Các cụ dạy con cái là của để dành. Thành An quê tôi chưa  giầu nhưng được cái hiếu học. Khó mấy cũng lo cho con cái được học hành. Hơn hai trăm con em của làng có trình độ đại học trở lên, trong khi làng chỉ có gần 1000 dân. Rất nhiều trong số đó thành đạt, có điều kiện về kinh tế, ai cũng muốn được đóng góp xây dựng quê hương. Khi chúng tôi  thay mặt làng có lời kêu gọi, ai cũng sẵn sàng ủng hộ. Thế là bắt tay vào làm.

 

Nói về công việc của cán bộ Mặt trận ở khu dân cư, ông Trường chia sẻ, cách tuyên truyền hiệu quả không nằm ở chỗ cán bộ Mặt trận "nói giỏi” mà chính từ những việc làm cụ thể. Theo ông, mình không thể tuyên truyền, vận động người khác thực hiện một việc gì khi bản thân mình không gương mẫu thực hiện trước. Hiểu rõ điều đó nên với việc làng, việc xóm bản thân ông Trường và người thân luôn gương mẫu thực hiện trước. 

 

Trần Duy Hưng


image advertisement
anh tin bai

image advertisement

image advertisement
image advertisement




image advertisement

image advertisement
anh tin bai

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai



Thông báo - Giấy mời
1
1
2
2
3
3
4
4
5
5
6
6

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGHĨA HƯNG TỈNH NAM ĐỊNH
Bản quyền thuộc Huyện Nghĩa Hưng
Địa chỉ: Thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định 
Điện thoại: 0228.3871.090     Fax: 0228 3871.090
Email:vpubnghiahung.nhg@namdinh.gov.vn

Designed by VNPT Nam Định


Chung nhan Tin Nhiem Mang